Tìm hiểu về Chúa Thác Bờ

Chúa Thác Bờ được thờ tại hai ngôi đền tại xã Thung Nai, huyện cao Phong và xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc. Hai Đền Chúa Thác Bờ chỉ cách nhau cỡ 15 phút đi thuyền. Chúa Thác Bờ không thuộc Tứ Phủ Thánh Cô hay tứ Phủ Thánh Chầu nhưng được thờ phụng theo Tứ Phủ và là phần không tách rời của tục thờ Tứ Phủ.

Sự tích đền Chúa Thác Bờ Vầy Nưa.

Trước đây, tại xã Hào Tráng, huyện Đà Bắc có một ngôi đền thờ Chúa Thác Bờ. Khi thủy điện Hòa Bình được xây dựng thì đền Thác Bờ được di chuyển. Sau 9 lần di chuyển ngôi đền mới đã trở thành đền Chúa Thác Bờ Vầy Nưa, Huyện Đà Bắc.

Bình luận thêm của người viết:

Trước đây, vùng Hào Tráng có một ngôi miếu và một ngôi đền đều thờ Chúa Thác Bờ. Khi thủy điện Hòa Bình được xây dựng, hai thủ nhang của đền và miếu đã phải nhiều lần di chuyển đền và miếu đến vị trí mới. Ngôi miếu sau này trở thành Đền Thung Nai còn ngôi đền cũ trở thành Đền Vầy Nưa. Hiện đền Chúa Thác Bờ Vầy Nưa được chính thức công nhận là Di Tích Lịch sử bởi xuất phát từ ngôi đền cổ.

Đền Chúa Thác Bờ Vầy Nưa
Đền Chúa Thác Bờ Vầy Nưa

Như vậy, cả hai đền Cao Phong và Vầy Nưa đều thờ Bà Chúa Thác Bờ. Cũng lưu ý rằng có nhiều người lầm tưởng đền Vầy Nưa là thờ Cô bé Thác Bờ, còn Đền Cao Phong là thờ Chúa Thác Bờ, bởi ít ai nghĩ có cùng hai đền thờ Bà Chúa Thác Bờ.

Đền Vầy Nưa, thuộc sự quản lý của nhà nước bởi đền đã được công nhận là Di tích Lịch sử. Còn đền Cao Phong hiện vẫn do nhà tư nhân quản lý.

Hai đền cách nhau khoảng 15 phút đi đò và cũng chỉ cách Động Thác Bờ khoảng 15 phút đi đò tạo nên một khu du lịch tâm linh Thác Bờ đầy thi vị.

Gốc tích về 2 ngôi đền thờ Chúa Thác Bờ

Trước đây tại xã Hào Tráng, huyện Đà Bắc có một ngôi miếu và một ngôi đền đều thờ Chúa Thác Bờ. Ngôi miếu và ngôi đền đều có một Thủ nhang riêng. Khi nhà nước đắp đập thủy điện Hòa Bình, thủ nhanh ngôi miếu đưa miếu lên đất Thung Nai, Cao Phong và phát triển thành Đền Chúa Thác Bờ Thung Nai, còn thủ nhanh đền cổ đưa đền lên đất Vầy Nưa, Đà Bắc và trở thành Đền Chúa Thác Bờ Vầy Nưa. Hiện nay, trong hai đền mới có đền Vầy Nưa được công nhận là Di Tích Lịch Sử và đang được nhà nước đầu tư xây dựng bia Lê Lợi, nằm cách đền 500 m.

Như vậy, cả hai ngôi đền đều thờ Chúa Thác Bờ chứ không phải Đền Thung Nai thờ Chúa Thác Bờ còn đền Vầy Nưa thờ Cô bé Thác Bờ như mọi người lầm tưởng. Ngoài ra, có người cho rằng Đền Thung Nai là thờ bà chúa người Dao, còn bên Đền Vầy Nưa thờ bà chúa người Mường. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm, lệch lạc. Bà Chúa Thác Bờ là sự hóa thân của cả hai bà người Dao và bà người Mường chứa không tách bạch là hiện thân của riêng bà nào. Ý kiến mỗi đền thờ một bà là trái với sắc phong của vua Lê Lợi và phá hoại tình cảm bền chặt lâu đời của cộng đồng người Dao, người Mường nơi đây.

1. Đền Chúa Thác Bờ Vầy Nưa bên huyện Đà Bắc

Đền Vầy Nưa nằm trên đỉnh đồi Hang Thần ở xóm Phố Bờ, Vầy Nưa. Từ dưới bến thuyền du khách phải leo hơn 100 bậc, sau đó theo một triền dốc thoải mới mới đến nơi. Đền gồm 3 gian, mái đền bằng bê tông cốt thép, được thiết kế theo kiểu vòm cuốn và kiến trúc mặt bằng hình chữ đinh gồm: Nhà Đại Bái và nhà Hậu cung, phía trước đền gồm 5 cửa (ngũ quan). Hiện nay tại di tích này còn lưu giữ được một quả chuông đồng được đúc vào tháng 2, năm Thành Thái thứ 6.

Đền Chúa Thác Bờ Vậy Nưa thuộc nhà nước quản lý nên việc xây dựng phải tuân thủ theo quy hoạch nên có vẻ chưa tố hảo bằng bên đền Thung Nai. Đền Thung Nai do tư nhân nên việc tu bổ cũng nhanh hơn.
Hiện Đền Chúa Thác Bờ Vầy Nưa đang được nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng khu tưởng niệm Bia Lê Lợi.

2. Đền Chúa Thác Bờ Thung Nai bên huyện Cao Phong

Đền tọa lạc trên sườn đồi Sầm Lông, thuộc xóm Đền, Thung Nai, Cao Phong. Trước đây đền Thác Bờ Thung Nai chỉ là một ngôi miếu chủ yếu được dựng lên từ tranh, tre, nứa, lá ngay dưới chân Thác Bờ. Sau này, do Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà khởi công xây dựng nên ngôi đền phải di rời lên sườn núi ngay cạnh bờ sông. Vào mùa khô muốn thăm đền, du khách phải leo bộ hết 108 bậc. Nhưng vào mùa mưa n­ước dâng lên sát nền móng đền, khách có thể lên thẳng khi thuyền bè cập bến.

Đền Chúa Thác Bờ Thung Nai khi nước đầy
Đền Chúa Thác Bờ Thung Nai khi nước đầy

Ngoài thờ bà Chúa Thác Bờ, đền hiện nay còn thờ các vị thần, thánh trong tín ngưỡng dân gian người Việt như: Công đồng quan lớn, Ngũ vị Tôn ông; bà chúa Sơn Trang (Động Sơn Trang); Tứ phủ Thánh cô, Tứ phủ Thánh cậu; Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn; Tứ phủ Chầu bà; Tam toà Đức Thánh Mẫu…

Đền Thung Nai hay đền Vầy Nưa là đền thờ chính của Chúa Thác Bờ?

Đây chính là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm. Căn cứ sự nghiên cứu về lịch sử và di vật Đền Thung Nai và Đền Vầy Nưa thì Sở VHTT Hòa Bình đã xác định Đền Vầy Nưa là xuất phát từ ngôi đền cổ tại xã Hào Tráng, huyện Đà Bắc xưa kia. Hiện đền Vầy Nưa còn có 2 bức tượng cổ về hai bà Chúa Thác Bờ và cái chuông cổ có trước đây mấy trăm năm là di vật của ngôi đền cổ.

Mặt khác, cả hai bà chúa đều được sinh ra tại xóm Mó Né, Vầy Nưa, Đà Bắc. Như vậy Đền Vầy Nưa không chỉ là được xuất phát từ đền cổ mà còn chính là quê sinh của cả hai bà Chúa.

Chính vì vậy, Sở VHTT Hòa Bình đã công nhận đền Vầy Nưa là Di tích lịch sử và được đưa vào danh sách trùng tư, bảo tồn. Hiện công trình Bia Lê Lợi của đền đang được xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Sau này, khu vực Đền Vầy Nưa sẽ trở thành một địa điểm du lịch tâm linh hết sức hoành tráng thơ mông, sơn thủy hữu tình.

Bình luận của người viết:

Như vậy, đền Vầy Nưa mới là nơi thờ chính của Chúa Thác Bờ còn đền Thung Nai được coi như thờ vọng. Cũng lưu ý cả hai cùng thờ Chúa Thác Bờ, chứ không phải bên thờ Chúa, bên thờ Cô; hay bên thờ Chúa Thác Bờ người Mường, bên thờ Chúa Thác Bờ người Dao.

Xem thêm: Sự linh ứng của Đền Chúa Thác Bờ

Sự tích Chúa Thác Bờ

Vào năm 1430 – 1432, Vua Lê Lợi đem quân dẹp loạn tại đèo Cát Hãn ở Mường Lễ, Sơn La. Khi Vua Lê Lợi kéo quân đến Thác Bờ thì thấy giữa dòng nước xoáy phía trước một thác nước hiểm trở xô bọt trắng xóa, với muôn vàn mỏn đá lởm chởm nên không thể tiến quân lên được.

Tượng Chúa Thác Bờ tại Đền Vầy Nưa
Tượng Chúa Thác Bờ tại Đền Vầy Nưa

Lúc bấy giờ ở xã Hào Tráng- Đà Bắc có người con gái dân tộc Mường là Đinh Thị Vân và cô gái người Dao (không rõ tên) ở xóm Mó Nẻ, Vầy Nưa, Đà Bắc đã đứng lên vận động trai tráng trong bản lên rừng xẻ ván đóng thuyền, kêu gọi nhân dân chặt nứa, tre kết thành bè mảng, góp lượng thực, thực phẩm cho nhà vua nuôi quân và chở giúp quân sĩ đi qua Thác Bờ đánh giặc.

Trên đường chiến thắng trở về, vào tháng 3 năm 1432, vưa lê Lợi dừng chân khao quân ở Thác Bờ. Hai Cô lai vận động bà con góp cơm lam, thịt muối chua, rượu cần, múa hát điệu thường rang, bọ mẹng, ném còn, múa xòa để liên hoàn mừng chiến thắng.

Sau ngày khi hai bà mất, hai bà thường hiển linh giúp đỡ mọi người khi đi qua Thác. Nhà Vua đã ban chiếu chỉ cho dân trong vùng lập đền thờ 2 bà. Nhân dân phong hai bà là Chúa Thác Bờ.

Bình luận của người viết:

Có một thông tin đồn thổi rằng Đền Cao Phong thờ Chúa Thác Bờ người Dao, còn bên Đền Vầy Nưa thờ bà người Mường đây là một nhận thức không đúng, gây sự chia rẽ giữa hai dân tộc và hai ngôi đền. Nhưng người viết cho Chúa Thác Bờ chính là hiện thân của cả 2 bà người Mường và người Dao. Linh khí của đất Hòa Bình và tinh thần vì dân vì nước của cả hai bà đã tạo nên một hình ảnh duy nhất: Bà Chúa Thác Bờ.

Khảo dị khác về sự tích Chúa Thác Bờ

Phía trên đã trình bày về sự tích Chúa Thác Bờ theo tài liệu của Sở VHTT Hòa Bình. Tuy nhiên , trong dân gian còn có nhiều sự tích về Chúa, nhưng đặc trưng nhất là có một tài liệu cho rằng: Trong một lần chuyển lương thảo cho vua Lê Lợi, trời đã nổi phong ba, sóng lớn đưa hai bà về trời. Sau này, tại nơi hai bà thác hóa, nhân dân đã xây dựng miếu và đền thờ để ghi nhớ công của hai bà với đất nước và nhân dân.

Tấm văn bia Lê Lợi đã được phục dựng
Tấm văn bia Lê Lợi đã được phục dựng

Tại xã Hào Tráng, Đà Bắc trước đây có một tấm bia cổ của vua Lê Thái Tổ khắc trên một phiến đá lớn ở sườn núi. Đó là mỏm đá vôi nhô cao hơn 4 m. Mỏm đã được mài nhẵn lưng chừng và được khắc bài thơ và bài tiểu dẫn của nhà vua khi đi qua đây đánh giặc. Đền Chúa Thác Bờ lúc đó nằm ngay dưới chân văn bia đá này. Vì vậy, văn bia này là một di tích vô cùng quý báu của Đền Chúa Thác Bờ Hào Tráng ngày xưa.

Năm 1979, nhà nước xây nhà máy thủy điện Hòa Bình, nên năm 1982, trước tình hình bia đá sẽ bị nước nhấn chìm Sở VHTT Hà Sơn Bình đã cắt tách phần bia đá rời khỏi khối đá gốc di chuyển về tại tại Nhà Văn hóa thành phố Hòa Bình để bảo quản. năm 2002, bia đá được đặt tại Bảo tàng Hòa Bình. Đến năm 2015, tỉnh quyết định đưa bia lê Lợi về dựng lại tại đền Thác Bờ Vầy Nưa.

Khu văn bia Lê Lợi được xây dựng cách đền Vầy Vưa khoảng 500 m. Tấm văn bia của vua Lê Lợi đã được dựng lại, còn các công trình Tam quan và nhà trưng bày, đại bái đang trong quá trình xây dựng. Hiện công trình còn ngổn ngang vật liệu.

Tấm bia khắc bài thơ chữ hán của Lê Thái Tổ được lược dịch như sau:

Gập ghềnh hiểm hóc chẳng từ nan

Già vẫn nguyên còn sắt đá gang

Hào khí nghìn mù đều sạch quét

Tráng tâm bằng núi cũng bằng san.

Biên phòng tất khéo mưu phòng lược

Xã tắc nên trù kế cửu an

Ghềnh thác ba trăm năm lời cổ ngữ,

Như nay dòng thuận chỉ xuôi nhàn

Khu nhà đại bái khu văn bia đang xây dựng

Phần tựa dẫn của bài thơ trên văn bia được lược dịch như sau:

“Ta đi đánh Đèo Cát Hãn về qua đây, làm một bài thơ nói về đường lối phòng Nhung Địch cho đời sau biết: Man di Mường Lễ mặt người dạ thú, ngạch trở giáo hóa phải tiêu diệt ngay. Nên nghĩ sinh dân thiên hạ, chẳng ngại hiểm trở lam chướng mà phương lược xuất chinh thì tiến quân bằng đường thủy hai sông Thao, Đà là hơn cả”.

Cảnh hồ Thác Bờ
Cảnh hồ Thác Bờ

Chắc chắn sau khi nhà văn bia được xây dựng thì Đền Thác Bờ Vầy Nưa sẽ trở thành một trung tâm du lịch tâm linh đầy chất lịch sử và chất thơ, tạo nên một cảnh quan Sơn thủy Hữu tình giữa chốn Hạ long trên cạn.

Các di vật của Đền Thác Bờ Vày Nưa

Mặc dù đã qua đến 9 lần di chuyển nhưng Đền Thác Bờ Vầy Nưa vẫn giữ được khá nhiều di vật của đền cổ Chúa Thác Bờ Hào Tráng. Các di vật gồm: Hai pho tượng đồng của Chúa Thác Bờ và 01 quả chuông được đúc vào năm Thành Thái thứ 6, năm 1895.

Hành trình đến khu du lịch tâm linh Thác Bờ

Người đi lễ sẽ cầu nguyện ở đền Trình rồi lên đền Chúa Thung Nai, đền Chúa Vậy Nưa, hai ngôi đền tuy hai huyện khác nhau nhưng chỉ cách nhau khoảng gần 20 phút đi thuyền. Vừa đi lễ, vừa thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của vô vàn đảo đá nhấp nhô trên mặt nước, du khách sẽ thấy lòng mình bình yên. Hành lễ xong, khó ai có thể cưỡng lại sự hấp dẫn của những xiên cá nướng sông Đà vàng ruộm, thơm lừng bày bán phía chân đền.

Khi đã ấm lòng và thụ hưởng lộc dâng, chuyến du xuân sẽ tiếp tục với hành trình du lịch lòng hồ sông Đà và mãn nhãn với tiên cảnh trong lòng Động Thác Bờ. Cả rừng nhũ đá trong động đua nhau mọc lên, vươn xuống, với vô vàn hình thù lạ mắt khiến du khách đến thăm không khỏi sững sờ, choáng ngợp. Trong động có đặt bàn thờ Quan thế âm Bồ tát, Phật tổ quan âm và Bác Hồ, bạn cũng có thể thành tâm lễ viếng.

Cách Hà Nội 110 km, khu du lịch thắng cảnh tâm linh Thác Bờ là điểm du lịch tâm linh lý tưởng và hấp dẫn với du khách trong dịp đầu năm.

Lê Hồng Thái

Gửi Giang Anh lời cảm nhận nhé !
Đang xem bình luận...